Cây Ổ Rồng được gọi với tên khác là cây Ổ Phượng, với tên khoa học là Platycerium grande có nguồn gốc rộng rãi ở vùng Đông Nam châu Á và Australia. Cây là loài cây phân bố khắp các cao độ ở miền Nam nước ta như Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng, Bình Thuận, Phú Quốc…
Cây Ổ Rồng là một loài dương xỉ lớn có thân rễ mọc bò, không có lông. Cây có lá phía trên to hướng lên trên, không có cuống và không sinh sản. Lá có gân hình mắt chim, dài và rộng khoảng 40-90 cm, phân thùy sâu, có thùy nguyên hay rẽ đôi. Lá này không bao giờ rụng mà thường chết khô trên cây sau đó lớp lá mới sẽ mọc bao ra ngoài. Về sau những lá đã chết sẽ hoại mục tạo thành chất mùn giữ ẩm và các khoáng cây tích tụ được để nuôi cây mẹ.
Cây có lá sinh sản buông thõng xuống từng cặp một, chúng chia đôi nhiều lần và có thể dài tới 2m. Lá Ổ Rồng dai, mặt lá không có lông với các gân tạo thành những quãng dài. Ổ túi bào tử nằm ở kẽ rẽ đôi của lá sinh sản. Bào tử có hình bầu dục hay hình thận, màu vàng nhạt bám vào nhau như đám bông vì vậy khi rơi xuống gió sẽ cuốn đi khắp nơi. Cây Ổ Rồng có thể phân làm 2 lọai đơn giản là lá đơn và lá kép. Lá kép thì lá sinh sản phân chia nhiều lần hơn.
Cây Ổ Rồng có dáng đẹp nhờ thân lá đặc sắc, thường nổi bật trong các vườn lan dù không có hoa cũng chẳng có màu sắc đặc biệt. Cây được treo trang trí trong các quán cà phê, nhà hàng, sân vườn biệt thự, nói chung là những nơi có không gian rộng.
Đối với những không gian hẹp có thể treo những cây Ổ Rồng kích thước nhỏ nhưng quá trình chăm sóc cần chú ý để kiềm chế sự phát triển về kích thước của cây. Nội thất văn phòng sẽ ấn tượng hơn, không gian nhà ở sẽ độc đáo hơn với cây ổ rồng treo tường hay treo cạnh cầu thang, cửa sổ…
Ngoài công dụng trồng làm cảnh, cây Ổ Rồng còn có giá trị sử dụng làm thuốc. Người ta dùng thân rễ và lá Ổ Rồng giã đắp dùng bó gãy xương. Thân rễ còn được dùng chữa phù thũng… Đúng là một loại cây vừa có giá trị thẩm mỹ cảnh quan, vừa thực dụng với đời sống con người.
Đánh giá Cây Ổ Rồng treo