Cây Huyết Dụ hay cây Phật dụ, cây Thiết thụ, có tên khoa học là Cordyline fruticosa, thuộc họ loa kèn. Cây có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới, là cây bụi, cây cảnh lá, thường được trồng ngoài trời.
Cây có thân gỗ lâu năm, thân mảnh, có thể cao đến 3m, không phân nhánh. Lá cây Huyết Dụ mọc thành lùm trên đỉnh, lá hình mác rộng, có màu xanh hoặc màu đỏ tía, phần đuôi lá bao lấy thân. Hoa mọc nhiều trên đỉnh nách lá, hoa nhỏ, có màu đỏ nhạt đến màu tím, ít khi có màu vàng, thường nở hoa từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Quả của cây Huyết Dụ mọng hình cầu, màu đỏ.
Cây có tốc độ sinh trưởng nhanh, ưa thích khí hậu nóng ẩm và nơi có đầy đủ ánh nắng. Cây Huyết Dụ thường trồng trong chậu làm cây cảnh nội thất, được bài trí tại phòng khách, hội trường và khách sạn. Cây cũng có thể làm cây cảnh sân vườn trồng trong các bồn hoa. Cây còn được trồng nhiều để làm thuốc.
Sau đây là một số công dụng chữa bệnh của cây Huyết Dụ:
– Chữa rong kinh, rong huyết: Kinh quá nhiều sau khi đẻ hoặc sẩy thai (nhau đã ra rồi): Lá Huyết dụ 20g, rễ cỏ tranh 10g, đài tồn tại của quả mướp 10g,rễ cỏ gừng 8g. Tất cả mang thái nhỏ sắc với 400ml nước còn 100ml, chia uống làm 2 lần trong ngày.
– Chữa khí hư bạch đới: Lá Huyết Dụ tươi 40g, lá thuốc bỏng 20g, Bạch đồng nữ 20g, sắc uống.
– Chữa ho ra máu: Lá cây Huyết Dụ 10g, rễ Rẻ quạt 8g, Trắc bách diệp sao đen 4g, lá Thài lài tía 4g. Tất cả đem phơi khô, sắc chia làm 2-3 lần uống trong ngày.
– Chữa bị thương ứ máu hay phong thấp đau nhức: Dùng Huyết dụ cả lá, hoa, rễ 30 g, Huyết giác 15 g, sắc uống.
– Chữa kiết lỵ ra máu: Rễ cây Huyết Dụ 20g, Nhọ nồi 12g, Rau má 20g, rửa sạch giã nát, thêm nước, gạn uống. Dùng 2-3 lần ngày.
– Chữa trĩ ra máu, đái ra máu, băng huyết: Lấy 20g lá Huyết Dụ tươi rửa sạch. Đổ 200ml nước vào sắc còn 100ml, chia uống trong ngày.
Đánh giá Cây Huyết Dụ