Khi trồng cây công trình, cây ăn quả nhiều khi cần đào, đánh để chuyển vị trí. Những cây lâu năm, có kích thước lớn sẽ gây nhiều phiền toái. Sau đây xin mách các bạn cách chuyển vị trí các loại cây có tỷ lệ sống cao.
Đào, đánh cây công trình, cây cảnh có 1-3 năm tuổi, đường kính gốc <10cm, chiều cao cây <4m
Với các loại cây dễ sống như cây si, đa, sanh, sấu, trám, keo, cam, chanh, quất, quýt…, gội (cắt bỏ), chỉ để lại khoảng 1/3 tán cây, tưới đủ ẩm, đào sâu xuống đất khoảng 30-40cm và cắt các rễ ngang cách gốc 1-2m. Thân cây càng to thì cần đào cách gốc càng xa, càng sâu. Khoảng 2 tháng cây hồi sức, trước khi ra lộc mới thì nên tiến hành đào chặt nốt các rễ cọc và rễ cái rồi chuyển vị trí cây đi nơi khác theo ý muốn. Trước khi chuyển vị trí cần phải chuẩn bị sẵn hố trồng mới với đường kính lớn hơn bầu cây định đánh khoảng từ 40 đến 50cm, sâu hơn bầu cây định đánh 10-15cm. Đặt nhẹ nhàng bầu cây xuống hố, lấp đất nhỏ quanh bầu cho đầy khe hở, dùng chân dẫm chặt xung quanh cách bầu 10cm, tưới đẫm 5-10lít nước/hốc lần đầu, tưới đủ ẩm trong 10-15 ngày cho cây bén rễ hồi xanh thuận lợi.
Đánh các loại cây công trình có kích thước lớn và khó sống hơn
Các cây xanh công trình như cây hồng, cây xoài, cây nhãn, vải, cách đánh như trên, đánh lần đầu vào tháng 11-12, sau đó hãy đánh trồng vào tháng 2-3. Nếu bắt buộc phải đánh trồng vào các tháng 4-10 nhất thiết phải che nắng trong 20-30 ngày cho cây.
Đào đánh các loại cây lâu năm, có đường kính gốc 0,5-1m
Chủ yếu áp dụng cho các loại cây công trình lâu năm như: cây lộc vừng, cây sắn thuyền… Trước khi đào gốc, bạn hãy cắt toàn bộ tán cây và thân chính cách gốc 1-3m tùy theo yêu cầu thẩm mỹ cũng như độ cao lớn của cây. Tiếp theo, hãy cắt toàn bộ rễ cái, rễ con cách gốc cây 0,5m rồi dùng cần cẩu hay người khênh để chuyển vị trí đến vườn ươm. Trát 1 lớp đất thịt, hay bùn ướt (không dùng bùn ở những ao tù có màu đen, mùi hôi tanh) dày 1cm, vùi gốc cây trong cát ẩm, che thân và gốc cây bằng nilon tản nhiệt màu đen trong 40-50 ngày ở vườn ươm, khi nào thấy thân cây nẩy lộc; các lộc (đọt) non chuyển thành lá bánh tẻ mới thôi.
Tuy nhiên với một số loài cây công trình có những đặc tính sinh trưởng đặc thù, chúng ta sẽ có những kỹ thuật riêng áp dụng để đạt hiệu quả tốt nhất. Ví dụ như cây có nhựa chảy nhiều, khó đông như cây mít; hay như cây mỏng vỏ, dễ khô và bong tróc vỏ như cây Sấu; hoặc ây thân đốt như họ cau, dừa, cọ;… Chúng tôi sẽ có những bài riêng phân tích và hướng dẫn cơ bản cho những loại cây này để việc đánh chuyển chúng đạt kết quả cao, tránh gây chết hoặc làm tổn hại đến cây.